image banner
Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố; ngày 13/5/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có Công văn số 1084/UBND-NCKTGS yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức quán triệt, thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Quyết định số 819/QĐ-UBND ngày 07/3/2025 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý và kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2025; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp thanh tra, kiểm tra; báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đột xuất, định kỳ theo đúng quy định;…

Thứ hai, tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 68/2025/NĐ-CP ngày 18/3/2025 của Chính phủ, trong đó chú trọng tổ chức phổ biến, giáo dục, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị định số 68/2025/NĐ-CP đến toàn thể người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thứ ba, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời có cơ chế khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ. 

Thứ tư, chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện quản lý Nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố, cụ thể: (i) Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (ii) Phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (iii) Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ hằng năm theo đúng quy định và hướng dẫn của Sở Tư pháp. 

Thứ năm, về việc phát hiện, giải quyết, xử lý vi phạm hành chính:

(i) Kịp thời phát hiện và xử lý, giải quyết triệt để các vụ việc vi phạm hành chính theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biểu mẫu, quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. 

(ii) Đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch/Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố (được giao quyền), các cơ quan, đơn vị, địa phương thụ lý, tham mưu nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

- Phối hợp giải quyết, kiểm tra hồ sơ vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Quy chế.

- Tham mưu, xác định và chịu trách nhiệm về việc chứng minh: vi phạm hành chính (không phải là tội phạm); đối tượng, hành vi vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành.

- Lập danh mục văn bản, tài liệu có trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính kèm theo hồ sơ trình Chủ tịch/Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố (được giao quyền) ban hành quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính; chuyển Sở Tư pháp để kiểm tra, đánh giá. Sau khi trình/chuyển hồ sơ xử phạt, nếu phát sinh tài liệu liên quan phải kịp thời bổ sung, đảm bảo thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định. Sở Tư pháp tham gia ý kiến theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Quy chế sau khi nhận đầy đủ hồ sơ.

- Sau khi cá nhân, tổ chức vi phạm thi hành quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính, gửi văn bản, tài liệu về việc thi hành (bản gốc) về Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố để lưu trữ theo quy định; đồng thời, gửi văn bản thông tin kết quả thi hành quyết định về Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp, 
báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Quy chế.

Thứ sáu, chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường công tác thanh tra theo quy định pháp luật.

Thứ bẩy, tiếp tục quan tâm đảm bảo các điều kiện thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, tại Công văn này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì:

- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố việc triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị và địa phương.

- Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, xin ý kiến hướng dẫn chuyên môn của Bộ Tư pháp để tham mưu xây dựng Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính phục vụ tra cứu, khai thác, sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý, giải quyết các vụ việc vi phạm hành chính đúng quy định pháp luật.

- Theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương về hoàn thiện hệ thống pháp luật; khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính vào Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hằng năm của Ủy ban nhân dân thành phố gửi Bộ Tư pháp hoặc báo cáo đột xuất theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố./.

Tài liệu đính kèm

Admin
QR Code
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0