Sở Tư pháp Hải Phòng tổ chức Hội thảo tham gia ý kiến dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030” của Thủ tướng Chính phủ
Sở Tư pháp Hải Phòng tổ chức Hội thảo tham gia ý kiến dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030” của Thủ tướng Chính phủ
Chiều ngày 24/9/2024, Sở Tư pháp Hải Phòng đã tổ chức thành công Hội thảo tham gia ý kiến dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030” của Thủ tướng Chính phủ với sự tham gia đông đủ các đại biểu là cán bộ pháp chế sở, ban, ngành; Lãnh đạo Phòng Tư pháp các quận, huyện; đại diện một số phòng chuyên môn thuộc Sở gồm: Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật. Đồng chí Trần Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội thảo.
Để Hội thảo tham gia ý kiến đạt hiệu quả, đồng chí chủ trì đã đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo chủ động, tích cực trao đổi, thảo luận và tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án; trong đó, tập trung các nội dung liên quan đến: (1) Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế; (2) Lộ trình của việc xây dựng tiêu chí đánh giá công tác tổ chức thi hành pháp luật; (3) Các điều kiện đảm bảo cho công tác tổ chức thi hành pháp luật; từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh nội dung xin ý kiến tham gia vào dự thảo Đề án, Hội thảo còn tập trung thảo luận vào về: (1) Một số nội dung, nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính những tháng cuối năm 2024 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố; (2) Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ về 02 công tác này của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hội thảo đã được nghe phát biểu của đại diện các đơn vị, địa phương về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; ý kiến đóng góp đối với dự thảo Đề án; theo đó, các đại biểu đều nhất trí việc xây dựng, hoàn thiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể của dự thảo Đề án về: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật; Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá công tác tổ chức thi hành pháp luật; Bảo đảm các điều kiện cho công tác tổ chức thi hành pháp luật; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; Tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án. Tuy nhiên, dự thảo cần xem xét nêu rõ lộ trình, thời gian cụ thể thực hiện, lượng hóa kết quả của từng nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chí đánh giá việc tổ chức thi hành pháp luật, bổ sung các nội dung về bảo đảm điều kiện cho công tác tổ chức thi hành pháp luật về cơ chế phát triển nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật,… để phục vụ việc tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả trong tình hình mới./.