Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai
Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về công tác
thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh
vực đất đai
Quản lý công tác thi hành pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hoạt động này nhằm bảo đảm triển khai thống nhất, đồng bộ việc thi hành
pháp luật về XLVPHC, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm
hành chính, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng
cao hiệu lực, hiệu quả kỷ cương quản lý Nhà nước bằng pháp luật, bảo vệ các
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân có liên quan.
Cùng với hoạt động quản lý
công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở các lĩnh vực khác
như: trật
tự xây dựng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao
thông, đê
điều, thủy lợi… thì hoạt động quản lý Nhà nước về công tác thi hành pháp luật
trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có vai trò hết sức quan trọng,
gắn liền với quyền, nghĩa vụ về tài sản là đất đai của tổ chức, cá nhân, công
dân trong xã hội. Theo quy định của pháp luật thì quản lý Nhà nước công tác thi
hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc chuyên
ngành tài nguyên và môi trường, do cơ quan chuyên ngành tài nguyên, môi trường
các cấp tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn
thành phố.
Tuy nhiên, với vị trí, vai
trò là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban
nhân dân thành phố quản lý nhà nước công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ này sẽ
góp phần cùng với các cơ quan chuyên môn khác, trong đó có ngành Tài nguyên và
Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính lĩnh vực chuyên ngành; trong đó có lĩnh vực đất đai.
Trước
hết, để quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính đạt hiệu quả thì việc tham mưu, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật;
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra, thanh tra; xây dựng
hệ cơ sở dữ liệu; báo
cáo, thống kê kết quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
có vai trò hết sức quan trọng. Hàng năm,
Sở Tư pháp đều tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật về XLVPHC trên
địa bàn thành phố; đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ
quan, đơn vị, địa phương chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về XLVPHC với nội dung, hình thức đa dạng; tổ chức các Đoàn kiểm tra
liên ngành công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng
cao nhận thức, ý thức tuân thủ, áp dụng pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt;
ngăn ngừa, hạn chế các sai sót trong quá trình xử lý vi phạm hành chính thuộc
thẩm quyền.
Trong năm 2023, Sở
Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận,
huyện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế phối hợp thực
hiện quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND
ngày 15/02/2023. Quy chế này giúp cho công tác phối hợp, phân định trách nhiệm
giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố áp dụng pháp luật
về xử lý vi phạm hành chính một cách chủ động, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Ngoài ra, một trong các nội dung, thể hiện vai trò tham mưu của Sở Tư pháp
trong công tác này chính là việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ xử phạt vi phạm hành
chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch/Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
(được giao quyền); góp phần giúp cho việc ban hành các Quyết định xử lý vi phạm
hành chính của Chủ tịch/Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chính xác, khách
quan, hạn chế các sai sót trong quá trình tuân thủ quy định, trình tự, thủ tục,
thẩm quyền xử phạt, đảm bảo quyền và nghĩa vụ chính đáng của đối tượng.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành
phố ban hành: Công văn số 3468/UBND-NCKTGS ngày 24/5/2022 về việc ủy quyền xác
minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố; Công văn số 949/UBND-NCKTGS ngày 28/4/2023 về
việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa
bàn thành phố. Việc
thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung
sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính từng lĩnh vực cụ thể, trong đó, có lĩnh vực đất đai.
Để
nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong
lĩnh vực đất đai, trong 03 năm liên tục từ 2019-2021, Sở Tư pháp đều tham mưu
Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức, thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại một số cơ
quan, đơn vị, địa phương như: Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân
quận, huyện: An Lão, Thủy Nguyên, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Cát Hải. Năm 2023,
Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết
định số 650/QĐ-UBND ngày 14/3/2023 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công
tác quản lý và kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa
bàn thành phố Hải Phòng; trong đó có kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính về
đất đai, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp và đất hành lang
giao thông, đặc biệt là các khu vực chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư xây dựng
theo Thông báo số 45/TB-VP ngày 17/6/2022 kết luận của đồng chí Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố tại cuộc họp tập thể Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố; dự
kiến kiểm tra vào quý III/2023.
Hiện nay, trước tốc độ công nghiệp hóa,
hiện đại hóa ngày càng cao, Hải Phòng là một trong những địa phương dẫn đầu cả
nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng đẩy mạnh, thu hút đầu
tư, quy hoạch đô thị, xây dựng, giải phóng mặt bằng... Cùng với sự phát triển
mạnh mẽ đó, việc vi phạm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây
dựng trên địa bàn thành phố còn có những vấn đề nổi cộm. Trong quá trình thực
hiện các Dự án trên địa bàn thành phố như: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ
thuật phục vụ Dự án đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn phường Đồng Quốc
Bình; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng
kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm; dự án xây dựng Nhà ga hàng hoá tại Cảng
Hàng không Quốc tế Cát Bi, quận Hải An…, thành phố đã triển khai quyết liệt
việc xử lý các sai phạm đất đai đặc biệt là những hành vi lấn, chiếm đất và
chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trả lại
đất đã lấn, chiếm và truy thu các khoản lợi phát sinh từ các hành vi vi phạm.
Qua công tác báo cáo, thống kê của ngành Tài nguyên và
Môi trường cho thấy căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân
dân thành phố hàng năm đều chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham
mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều
hành liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, với nhiệm vụ được
giao, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong
việc tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản chỉ đạo, điều hành
liên quan đến đẩy mạnh công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực tài
nguyên và môi trường; xử lý các tồn tại, hạn chế theo Kết luận số 15/KL-BTNMT
ngày 14/11/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021 tại thành phố Hải Phòng,
trong đó có lĩnh vực đất đai.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh
đạo Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp, hướng dẫn Ủy
ban nhân dân các quận, huyện; nhất là một số quận, huyện thời gian gần đây có
nhiều vụ việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai như: Ngô Quyền, Hải
An, Lê Chân, Thủy Nguyên, Tiên Lãng trong việc thiết lập, hoàn thiện hồ sơ xử
phạt vi phạm hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương mình.
Mặc dù
hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai được thực hiện theo
quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019, Nghị định số
04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ. Tuy nhiên, chính sách pháp luật về
đất đai trong thời gian qua có nhiều thay đổi, hệ thống văn bản hướng dẫn thi
hành luật chưa phù hợp với tình hình thực tế, đôi khi còn chồng chéo, chưa rõ ràng,
khó áp dụng khi triển khai thực tế ở địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất,
phương tiện kỹ thuật còn chưa đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ công tác thực
thi pháp luật XLVPHC trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật về đất đai chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Ý thức chấp hành
pháp luật về đất đai của một số cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn hạn chế. Đội
ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực
đất đai cấp cơ sở còn mỏng, yếu, thiếu. Các ngành, cơ quan chức năng thực hiện
công tác XLVPHC theo chức năng, thẩm quyền riêng nên sự phối hợp trong việc
phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm chưa thường xuyên. Trong quá trình tổ chức
thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, thường không
áp dụng triệt để biện pháp khắc phục hậu quả, dẫn đến tái phạm, vi phạm kéo
dài, ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó
khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác XLVPHC trên địa bàn
thành phố nói chung, trong công tác xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai
nói riêng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể
như sau:
Thứ nhất,
tiếp tục có biện pháp hoàn thiện, đồng bộ thể chế, văn bản liên quan đến công
tác XLVPHC,
điều chỉnh những bất cập, tránh cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa Luật
với các Nghị định, giữa Nghị định với Thông tư về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực chuyên ngành. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai để có căn
cứ xử lý vi phạm đối với mọi vi phạm, khắc phục tình trạng bỏ lọt đối với các
vi phạm.
Thứ hai, theo quy
định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân
thành phố căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương quy định mức độ khôi phục
lại tình trạng ban đầu của từng loại đất bị vi phạm. Do đó, đề nghị ngành Tài
nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban
hành văn bản hướng dẫn về nội dung trên.
Thứ ba, theo quy định thì Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp
thời những vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
Tuy nhiên, trong thực tiễn quản lý đất đai, một số địa phương chưa thực hiện
hết trách nhiệm này và cho rằng, các tổ chức thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân
dân thành phố giao đất, cho thuê đất, do vậy chưa thực hiện việc phối hợp trong
việc quản lý, kiểm tra việc sử dụng đất của chủ thể này dẫn đến có những vi
phạm chậm được phát hiện, khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm hành chính xảy
ra tại địa phương. Do đó, cần có biện pháp nhằm nâng cao, khẳng định vai
trò, tầm quan trọng của các cấp chính quyền địa phương giữ vai trò then chốt
đối với công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành
chính lĩnh vực đất đai nói riêng.
Thứ tư, để thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm hành chính thì
yếu tố con người đóng vai trò quyết định, là nhân tố đưa pháp luật vào thực thi
trong
cuộc sống.
Do đó, đề nghị cơ quan chuyên ngành đất đai thường xuyên tổ chức những buổi
làm việc, trao đổi, kiểm tra chuyên môn để từ đó có phương hướng bồi dưỡng và
hướng dẫn cho những cán bộ làm công tác liên quan đến xử lý vi phạm hành chính
trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành
chính trong lĩnh vực đất đai cũng phải thường xuyên tổ chức thảo luận, rút kinh
nghiệm khi tiến hành xử lý vi phạm hành chính ở những vụ việc điển hình giúp
cho việc nâng cao kiến thức về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tiến hành rà soát, đánh giá, bố trí lực lượng cán bộ, công chức trong lĩnh
vực tài nguyên - môi trường nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng gắn với
việc chuyển đổi vị trí công tác cần phải quan tâm, chú ý đến: trình độ chuyên
môn, năng lực, kinh nghiệm công tác, khả năng tham mưu, tiếp cận công việc của
các cán bộ, công chức.
Thứ năm, Một số địa phương chưa kiên quyết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; còn
tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý đất đai; trong quá trình giải
quyết khiếu nại, tố cáo còn né tránh, đùn đẩy; không tập trung giải quyết triệt
để, ngại va chạm (nhiều vụ việc đã có kết luận, hoặc có chỉ đạo của thành phố
nhưng chậm được triển khai thực hiện gây tâm lý không tốt và bức xúc cho doanh
nghiệp, tổ chức, cá nhân, công dân). Do đó, cần đẩy mạnh tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với các cấp,
ngành và người đứng đầu trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
theo Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử
lý kỷ luật về xử lý vi phạm
hành chính./.