Vai trò của tư pháp cơ sở trong công tác thi hành án dân sự
Thi hành án dân sự là hoạt động quan trọng
nhằm đưa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp
luật nhưng được thi hành ngay của Toà án, quyết định của Trọng tài thương mại,
quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh ra
thi hành trong thực tế, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước,
tổ chức và công dân góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã
hội.
Trong công tác thi hành án dân sự, bên cạnh vai trò
của cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan có chức năng nhiệm vụ tổ chức thi
hành án thì sự phối hợp của các cơ quan, các ban, ngành cũng như chính quyền
địa phương là yếu tố quan trọng, đóng góp to lớn vào thành công và hiệu quả của
công tác thi hành án dân sự. Trong đó, Ủy ban nhân
dân cấp xã và chính quyền cấp cơ sở có vai trò phối hợp quan trọng, là cầu nối
giữa các cơ quan chức năng, cá nhân có thẩm quyền trong công tác thi hành án
dân sự với người dân tại địa phương, bao gồm cả người phải thi hành án và người
được thi hành án.
Theo quy định tại Điều
175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi
hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành
án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ
khác về thi hành án dân sự trên địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã chỉ đạo công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã
tham mưu, phối hợp cùng tổ dân phố, các đoàn thể quần chúng và các cơ quan, tổ
chức có liên quan trên địa bàn cấp xã. Khoản 17, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định công chức tư pháp -
hộ tịch có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của chấp hành viên khi xác minh điều
kiện thi hành án và phải chịu trách nhiệm về các nội dung đã cung cấp. Như vậy,
có thể thấy, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã có
những quy định cụ thể, phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ cho tư pháp
cơ sở, mà cụ thể là công chức tư pháp - hộ tịch trong công tác phối hợp thực
hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự.
Việc triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các quy định pháp
luật về công tác phối hợp thi hành án dân sự, sẽ là cơ sở để cán bộ tư pháp -
hộ tịch thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ đắc lực cho các chấp
hành viên theo từng khâu của quá trình thi hành án dân sự từ thông báo thi hành
án, xác minh điều kiện thi hành án đến cưỡng chế thi hành án, góp phần giải
quyết việc thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được thời gian, công
sức và chi phí trong quá trình thi hành án dân sự.
Hiện nay, đội ngũ tư pháp cơ sở gồm có 375 công chức tư pháp -
hộ tịch công tác tại 217 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Trong
việc tham gia thực hiện thi hành dân sự, công chức tư pháp - hộ tịch đã nêu cao
tinh thần trách nhiệm, chủ động đề xuất biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền
hạn về phối hợp thi hành án dân sự của Ủy ban nhân dân cấp xã. Là người có điều
kiện thuận lợi trong việc tiếp xúc trực tiếp với đương sự, dễ nắm bắt được
thông tin về hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế của đương sự, công chức tư
pháp - hộ tịch có khả năng động viên, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành
án tự nguyện thi hành án.
Khi xác minh điều kiện thi hành án dân sự, công chức tư pháp -
hộ tịch giúp xác minh điều kiện về nhân thân của đương sự, cũng như các thông
tin cần thiết khác, bảo đảm việc cung cấp thông tin một cách chính xác, khách
quan, kịp thời. Trong việc cưỡng chế thi hành án, nhằm tránh tình trạng đương
sự tẩu tán tài sản, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thi hành án, trong quá trình
chứng thực giao dịch chuyển nhượng bất động sản, công chức tư pháp - hộ tịch đề
xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn
việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua việc không xác nhận,
chứng nhận việc mua bán, chuyển nhượng tài sản của đương sự.
Hiện nay, công tác thi hành án dân sự rất phức tạp, khó khăn,
dễ nảy sinh khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị địa
phương. Do đó, công tác phối hợp của tư pháp cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của
chính quyền địa phương chính là sự huy động nguồn lực, sức mạnh tổng hợp giúp
chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ thi hành án
dân sự một cách hiệu quả, chất lượng, hạn chế những sai sót trong quá trình tác
nghiệp. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thi hành án dân
sự đến được với nhân dân, nâng cao tính tự nguyện thỏa thuận thi hành án của
các đương sự, hạn chế việc phải tổ chức cưỡng chế thi hành án, góp phần ổn định
an ninh chính trị địa phương.
Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân
thành phố quản lý nhà nước về công tác tư pháp từ thành phố đến tư pháp cơ sở
tại xã, phường, thị trấn; Năm 2022, Sở Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động
hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho tư pháp cơ sở, góp phần
nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho tư pháp cơ sở như tổ chức
01 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, hướng dẫn quy trình thực hiện số hoá Sổ hộ
tịch cho gần 500 cán bộ, công chức làm công tác tư pháp tại Phòng Tư pháp và Ủy
ban nhân dân cấp xã;
05 buổi tập huấn chuyên sâu về công tác hành chính tư pháp nói chung và công
tác hộ tịch nói riêng tại các quận, huyện sau khi thực hiện kiểm tra và 01 lớp
bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ hộ tịch cho 77 đồng chí tạo nguồn công chức
làm công tác hộ tịch cho cấp huyện, cấp xã khi có nhu cầu sử dụng, điều động.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, cấp xã phối
với cơ quan công an và các đơn vị có liên quan rà soát, thống nhất, đồng bộ
thông tin cơ bản của cá nhân trong cơ sở dữ liệu hộ tịch với cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác theo quy định của Luật Hộ
tịch, để khi cần cung cấp thông tin về nhân thân của đương sự từ yêu cầu phối
hợp của cơ quan thi hành án có thể tra cứu được ngay thông tin.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành án dân sự, việc phối hợp của tư pháp cơ
sở vẫn còn hạn chế, bất cập do các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể; Đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở có khối lượng nhiệm vụ
được giao ngày càng lớn ngoài ra còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác tại địa
phương, lại có sự biến động, luân chuyển công tác dẫn đến việc khó khăn trong
quá trình phối hợp thi hành án dân sự.
Từ những khó khăn,
vướng mắc trên, xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động
phối hợp của tư pháp cơ sở trong công tác thi hành án dân sự như sau:
Một là, nâng cao vai
trò của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố trong việc chỉ đạo điều hành
hoạt động phối hợp thi hành án dân sự, chính quyền các cấp ban hành các văn bản
chỉ đạo việc phối hợp trong công tác thi hành án trên địa bàn, nhằm tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự,
trong đó công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên với
cá nhân, tổ chức hữu quan, trong đó có công chức tư pháp - hộ tịch (tư pháp cơ sở), Ủy ban nhân dân cấp xã
cần được đặt đúng tầm và phải huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và
toàn xã hội vào hoạt động thi hành án dân sự. Theo đó, pháp luật thi hành án
dân sự cần quy định cụ thể vấn đề phối hợp để các cơ quan thực hiện một cách
đầy đủ, thống nhất và đồng bộ.
Ba là, tổng kết đánh giá thực tiễn việc thực hiện
công tác phối hợp để xây dựng các biện pháp phù hợp giúp công tác thi hành án
dân sự đạt hiệu quả cao hơn. Việc tổng kết đánh giá phải tiến hành thường
xuyên, qua đó nhân rộng những mô hình phối hợp tốt để áp dụng chung cho toàn
ngành.
Bốn là, nhà nước cần quy định chế độ bồi dưỡng đối
với công chức tư pháp - hộ tịch khi tham gia phối hợp trong công tác thi hành
án dân sự nhằm động viên, khuyến khích cá nhân tham gia vào công tác thi hành
án dân sự, đồng thời xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công
tác thi hành án dân sự./.