Chuyển đổi phòng công chứng - thực tiễn trên địa bàn thành phố Hải Phòng và kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật
Chuyển đổi phòng công chứng - thực tiễn trên địa bàn thành phố Hải Phòng và kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật
Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, Luật Công chứng năm 2014, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng; nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế, giảm đầu tư ngân sách và nguồn lực nhà nước cho hoạt động của các Phòng Công chứng, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 21/4/2020 về việc thực hiện chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Trước khi có Kế hoạch số 112/KH-UBND, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 05 Phòng Công chứng. Đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã cho phép chuyển đổi 04 Phòng Công chứng thành các Văn phòng công chứng; quyết định giải thể Phòng Công chứng số 4 do không đảm bảo điều kiện nhân sự để thực hiện chuyển đổi thành Văn phòng công chứng.
I. Về việc chuyển đổi Phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Trung bình hàng năm, các tổ chức hành nghề chứng trên địa bàn thành phố Hải Phòng thực hiện khoảng 130.000 hợp đồng, giao dịch, thu phí công chứng khoảng 40 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 06 tỷ đồng; trong đó số việc và số phí của các Văn phòng công chứng chiếm khoảng 70%. Kết quả này cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta khi tiến hành xã hội hóa hoạt động công chứng, tiến tới duy trì một loại hình tổ chức hành nghề công chứng là Văn phòng công chứng. Mô hình Văn phòng công chứng từ khi ra đời đến nay đã được xã hội ghi nhận, không còn sự phân biệt giữa loại hình công chứng Nhà nước hay tư nhân. Hoạt động của các Văn phòng công chứng đã đi vào ổn định, phát triển tốt và giành được sự tín nhiệm cao của người yêu cầu công chứng.
Trên cơ sở đánh giá tình hình, hiệu quả hoạt động của các Văn phòng công chứng; nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng của Đảng và Nhà nước, tiến tới mô hình quản lý thống nhất đối với các tổ chức hành nghề công chứng, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố quyết định chuyển đổi các Phòng Công chứng thành Văn phòng công chứng. Theo đó, các Phòng công chứng số 1, số 2, số 3, số 5 đã chuyển đổi thành các Văn phòng công chứng, đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp và hoạt động ổn định đến nay.
Tính đến ngày 01/8/2024, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 40 tổ chức hành nghề công chứng đều hoạt động dưới mô hình duy nhất là Văn phòng công chứng, được phân bổ tại 13/15 quận, huyện trên địa bàn thành phố (02 huyện đảo: Cát Hải, Bạch Long Vỹ chưa có Văn phòng công chứng).
Nhìn chung, hoạt động công chứng của các Văn phòng công chứng trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch; đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần giảm bớt gánh nặng về biên chế và chi ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động; tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp của thành phố.
II. Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi các Phòng Công chứng thành Văn phòng công chứng
1. Vướng mắc từ rào cản tâm lý của công chứng viên đang hành nghề tại các Phòng công chứng
Bên cạnh một số công chứng viên mong muốn chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng thì một số công chứng viên đang hành nghề tại Phòng công chứng lại e ngại khi chuyển đổi. Xét về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của công chứng viên thì dù làm việc tại Phòng công chứng hay Văn phòng công chứng đều chịu trách nhiệm pháp lý như nhau về hành vi công chứng của mình. Nhưng nếu làm việc trong Phòng công chứng thì phải chịu sự ràng buộc nhiều hơn về kỷ luật, tài chính, đặc biệt là chế độ lương thưởng. Trong khi đó, nhiều công chứng viên lại mong muốn ổn định trong cơ quan Nhà nước, do địa vị chính trị pháp lý của họ sẽ khác nhiều nếu chuyển đổi thành Văn phòng công chứng: từ viên chức thành công chứng viên hành nghề tại các Văn phòng công chứng “tư nhân”. Bên cạnh đó, những công chứng viên đã có nhiều năm cống hiến, nay gần đến tuổi nghỉ hưu, họ không muốn chuyển ra Văn phòng công chứng. Có công chứng viên cho rằng họ đã có thời gian dài cống hiến cho Nhà nước, nay chuyển đổi có thể phải chi phí một khoản tiền để nhận quyền chuyển đổi, phải bỏ tiền ra mua uy tín, thương hiệu do chính mình góp công, góp sức tạo dựng.
2. Vướng mắc về quy định pháp luật:
- Việc chuyển đổi các Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng được quy định chung tại Luật Công chứng năm 2014 và cụ thể hoá tại Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ. Tuy nhiên, còn có một số vấn đề mà các văn bản quy phạm pháp luật này chưa quy định cụ thể, rõ ràng, như: về giá quyền nhận chuyển đổi, phương pháp xác định giá quyền nhận chuyển đổi, chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động đang làm việc tại Phòng Công chứng khi thực hiện chuyển đổi,… nên việc triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng.
- Về giá quyền nhận chuyển đổi:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP thì giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được xác định trên cơ sở: “Giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được xác định trên cơ sở đánh giá về tổ chức và hoạt động, uy tín của Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi, số lượng hợp đồng, giao dịch đã công chứng của Phòng công chứng trong 03 năm gần nhất. Giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng không bao gồm giá trị trụ sở, trang thiết bị và tài sản khác thuộc sở hữu của Nhà nước mà Phòng công chứng đó đang quản lý, sử dụng”.
Việc đánh giá về “tổ chức và hoạt động, uy tín của Phòng công chứng” để xác định giá quyền nhận chuyển đổi của Phòng công chứng là rất khó. Quy định này một mặt mang tính định tính, không xác định được cụ thể. Mặt khác, uy tín của Phòng công chứng không được kế thừa khi thực hiện chuyển đổi vì uy tín, thương hiệu gắn liền với tên gọi, được tạo dựng từ thương hiệu công chứng nhà nước. Tuy nhiên, Văn phòng công chứng sau khi chuyển đổi phải thay đổi tên gọi theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014. Uy tín của Phòng công chứng sau khi được chuyển đổi cũng không mang lại giá trị kinh tế cơ bản cho Văn phòng công chứng mới, vì Phòng công chứng trên thực tế đã chấm dứt hoạt động, công chứng viên nhận chuyển đổi phải bắt đầu lại việc xây dựng uy tín, thương hiệu cho Văn phòng công chứng của mình.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP thì Văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của Phòng công chứng đó. Như vậy, Văn phòng công chứng sau chuyển đổi phải tiếp nhận và tiếp tục lưu trữ, khai thác số lượng hồ sơ công chứng của Phòng Công chứng; mất thêm chi phí lưu trữ (kho, tủ hồ sơ), đồng thời gánh chịu những rủi ro pháp lý khi phát sinh tranh chấp, khiếu kiện. Việc xác định giá nhận chuyển đổi cần phải bao gồm các nội dung này. Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan chưa quy định về vấn đề này. Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định về việc căn cứ số lượng hợp đồng, giao dịch đã thực hiện của Phòng công chứng trong 03 năm gần nhất để xác định giá quyền nhận chuyển đổi; tuy nhiên, không quy định phương pháp, công thức tính toán cụ thể giá chuyển đổi nên rất khó trong thực hiện.
Trên thực tế, trong quá trình thực hiện chuyển đổi các Phòng Công chứng, cơ quan tài chính yêu cầu Phòng công chứng thuê đơn vị tư vấn có chức năng và đủ năng lực để thẩm định, xác định giá quyền nhận chuyển đổi làm cơ sở đề xuất; tuy nhiên, các công ty thẩm định giá đều từ chối thực hiện do không có quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng để làm căn cứ thẩm định giá quyền nhận chuyển đổi.
- Điều 8 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định 02 phương thức chuyển đổi gồm: Quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được chuyển giao cho chính các công chứng viên đang làm việc tại Phòng công chứng theo giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được tổ chức đấu giá trong trường hợp có “giá trị lớn” và có nhiều công chứng viên khác đang hành nghề đủ điều kiện tham gia đấu giá. Tuy nhiên, Nghị định lại không quy định giá trị bao nhiêu là “giá trị lớn” và giá trị này bao gồm những gì.
- Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách cho người lao động, viên chức không phải là công chứng viên của Phòng công chứng khi chuyển đổi; trong khi đó, các viên chức, người lao động khác, nhất là những viên chức có thời gian làm việc lâu năm cũng góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu của Phòng công chứng.
Khoản 3 Điều 4 và khoản 3 Điều 10 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định: “Văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng phải ký hợp hợp đồng lao động với công chứng viên, viên chức, người lao động của Phòng công chứng đó” và “Hợp đồng lao động giữa Văn phòng công chứng với công chứng viên hoặc viên chức của Phòng công chứng được chuyển đổi là hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Hợp đồng lao động giữa Văn phòng công chứng với người lao động của Phòng công chứng được chuyển đổi là loại hợp đồng mà người lao động đã giao kết trước đó với Phòng công chứng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Tuy nhiên, Nghị định lại không quy định chế tài trong trường hợp Trưởng Văn phòng công chứng không thực hiện quy định này. Trưởng Văn phòng công chứng hoàn toàn có thể chấm dứt hợp đồng lao động với những người này sau khi chuyển đổi; nguy cơ mất việc làm của viên chức, người lao động là rất cao. Việc này phần nào gây tâm lý hoang mang cho viên chức, người lao động làm việc tại các Phòng công chứng khi buộc phải thực hiện chủ trương chuyển đổi. Ngoài ra, sau khi chuyển đổi, quan hệ giữa viên chức, người lao động làm việc tại các Phòng công chứng với các công chứng viên nhận chuyển đổi Phòng công chứng đã hoàn toàn khác, từ địa vị ngang nhau (cùng là viên chức) trở thành quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Vì vậy, cần quy định cơ chế đặc thù cho các viên chức, người lao động khác của Phòng công chứng để đảm bảo công bằng cũng như việc làm lâu dài cho họ.
III. Đề xuất, kiến nghị:
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để đảm bảo việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên, viên chức, người lao động của các Phòng công chứng, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật như:
- Sửa đổi quy định để bảo đảm thống nhất với quy định về thành lập, sắp xếp, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm cả các trường hợp sáp nhập, hợp nhất Phòng công chứng.
- Cần hoàn thiện, bổ sung các quy định cụ thể về phương pháp, cách tính giá quyền nhận chuyển đổi các Phòng công chứng (giá trị uy tín, thương hiệu, công thức tính…); quy định rõ cách xác định Phòng công chứng “có giá trị lớn” để làm căn cứ áp dụng phương thức chuyển đổi phù hợp.
- Cần quy định cụ thể, rõ ràng về chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động đang làm việc tại Phòng công chứng khi thực hiện chuyển đổi.
- Quy định cụ thể, xác định người có trách nhiệm đối với các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng tại các Phòng công chứng nay đã giải thể./.