Nghị định quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp
Ngày 11/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, gồm 5 chương và 24 điều, quy định điều chỉnh 02 nội dung: (i) việc phân cấp, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực tư pháp khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; (ii) trình tự, thủ tục thực hiện các thủ tục hành chính khi phân định thẩm quyền từ thẩm quyền cấp huyện cho cấp xã, cấp tỉnh. Cụ thể như sau:
Chương I quy định chung gồm 3 điều về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc phân định thẩm quyền và quy định về phí, lệ phí. Trong đó, nêu rõ nguyên tắc phân định thẩm quyền:
- Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với các nguyên tắc, quy định về phân định thẩm quyền của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
- Bảo đảm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương; bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và năng lực của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân định.
- Bảo đảm phân định rõ thẩm quyền giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phân định rõ thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân và thẩm quyền riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
- Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương.
- Bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn; đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
- Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
- Bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
- Kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyển giao do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định.
Chương II gồm 9 điều, phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực hành chính tư pháp: từ Điều 4 tới Điều 8 về lĩnh vực hộ tịch, từ Điều 9 đến Điều 12 về lĩnh vực nuôi con nuôi. Về cơ bản, các thủ tục hành chính lĩnh vực hành chính tư pháp chuyển thẩm quyền từ cấp huyện về cấp xã.
Chương III gồm 5 điều, từ Điều 13 đến Điều 17, phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực chứng thực. Theo đó, sau khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, các xã cần lập danh sách cộng tác viên dịch thuật, báo cáo Sở Tư pháp phê duyệt.
Chương IV gồm 5 điều, phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và bồi thường nhà nước. Tại Điều 21 quy định: “Thị trường quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là thị trường trong phạm vi cấp xã nơi phát sinh thiệt hại thực tế” “Giá thị trường để sửa chữa, khôi phục lại tài sản bị hư là thị trường cấp xã.”
Chương V gồm 2 điều về điều khoản thi hành. Theo đó, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 và hết hiệu lực kể từ ngày 01/3/2027, trừ các trường hợp:
- Bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Chính phủ đề xuất và được Quốc hội quyết định kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ hoặc một phần Nghị định này;
- Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này được thông qua hoặc ban hành kể từ ngày 01/7/2025 và có hiệu lực trước ngày 01/3/2027 thì quy định tương ứng trong Nghị định này hết hiệu lực tại thời điểm các văn bản quy phạm pháp luật đó có hiệu lực.
- Trong thời gian các quy định của Nghị định này có hiệu lực, nếu quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục trong Nghị định này khác với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định này, các việc về hộ tịch, chứng thực do Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận mà chưa giải quyết xong hoặc đã giải quyết xong nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần xử lý thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của công dân tiếp tục giải quyết, xử lý. Các nhiệm vụ liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì chuyển giao cho cấp tỉnh xử lý tiếp. Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền./.