image banner
Tham gia ý kiến vào dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp

Tham gia ý kiến vào dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp Hải Phòng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến (sau đây gọi là dự thảo Thông tư) của các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn thành phố và các phòng nghiệp vụ liên quan.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử phối hợp với cơ quan công an kiểm tra, xác minh, bảo đảm thống nhất các thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi kết nối, chia sẻ thông tin giữa hai Cơ sở dữ liệu.

Đồng thời, dự thảo Thông tư quy định các loại biểu mẫu giấy tờ hộ tịch điện tử, trách nhiệm của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trong việc chấp nhận biểu mẫu này khi giải quyết thủ tục hành chính; việc kết nối kiểm tra thông tin biểu mẫu từ CSDLHTĐT…

Dự thảo Thông tư gồm 16 Điều, cụ thể như sau:

Điều 1, Điều 2 quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư. Theo đó, Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP về việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; quy trình đăng ký hộ tịch trực tuyến; xác nhận thông tin hộ tịch; ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý giấy tờ hộ tịch điện tử. Dự thảo Thông tư quy định cụ thể về việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, các Cơ sở dữ liệu khác và việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến (Điều 3).

Điều 4 của dự thảo Thông tư quy định về việc xử lý thông tin trong quá trình chia sẻ, kết nối giữa CSDLHTĐT và các Cơ sở dữ liệu khác, nhất là trong trường hợp thông tin có sự không thống nhất, theo đó:

- Thông tin của người được đăng ký khai sinh từ sau ngày 01/01/2016, được cấp số định danh cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là thông tin gốc, là nguồn đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chỉ được sửa đổi, bổ sung theo Trích lục thay đổi hộ tịch, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc hoặc huỷ bỏ giá trị pháp lý theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Việc huỷ bỏ giá trị pháp lý thông tin đăng ký khai sinh, huỷ bỏ số định danh cá nhân đã cấp cho người được đăng ký khai sinh do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trao đổi xử lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa hai Cơ sở dữ liệu.

- Trường hợp đăng ký hộ tịch, số hoá sổ hộ tịch không thuộc trường hợp nêu trên mà có thông tin công dân không thống nhất giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an cùng cấp kiểm tra, xác minh, xác định thông tin đúng, chính xác và căn cứ kết quả xác minh để thực hiện điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu theo quy định, bảo đảm thống nhất giữa hai Cơ sở dữ liệu.

- Trường hợp thông tin hộ tịch của công dân trong các cơ sở dữ liệu khác (nếu có) không phù hợp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì xác định thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là thông tin gốc, là căn cứ để điều chỉnh thông tin công dân trong các cơ sở dữ liệu khác. Trường hợp có giấy tờ, tài liệu khác chứng minh thông tin trong cơ sở dữ liệu khác có trước, thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu có trách nhiệm trao đổi với cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để xác minh, làm rõ. Nếu có cơ sở pháp lý thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thực hiện việc cải chính hộ tịch theo quy định pháp luật.

Nghị định số 87/2020/NĐ-CP mới chỉ quy định chung về nguyên tắc, cách thức chung thực hiện tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến; quy trình đăng ký hộ tịch trực tuyến đối với một số thủ tục/nhóm thủ tục, cách thức tiếp nhận hồ sơ/trả kết quả theo phương thức này cần được hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn, trong đó có quy trình thực hiện trực tuyến đối với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh - cấp Thẻ bảo hiểm y tế - đăng ký thường trú và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - chế độ mai táng phí. Dự thảo Thông tư đã hướng dẫn cụ thể:

- Mức độ đăng ký hộ tịch trực tuyến (Điều 5);

- Việc nộp, tiếp nhận, trả kết quả đăng ký hộ tịch trực tuyến (Điều 6);

- Thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch điện tử trực tuyến (Điều 7);

- Cấp văn bản xác nhận thông tin hộ tịch của một cá nhân (Điều 8);

- Thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (Điều 9, Điều 10).

Dự thảo Thông tư quy định cụ thể: Các thông tin hộ tịch cần số hóa, trách nhiệm thực hiện số hóa (Điều 12), việc tạo lập bản ghi dữ liệu hộ tịch điện tử của cá nhân (Điều 13) để hướng dẫn thi hành quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP về việc triển khai việc số hoá, quản lý, khai thác dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy; chuyển đổi và chuẩn hóa dữ liệu từ các phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử của địa phương đã triển khai thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và cập nhật Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư quy định việc ghi bổ sung Số định danh cá nhân khi cập nhật bản ghi dữ liệu hộ tịch điện tử của cá nhân.

Điều 13, Điều 14 dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc quản lý, điều chỉnh thông tin hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Việc hủy dữ liệu hộ tịch điện tử được quy định tại Điều 15 dự thảo Thông tư.

Điều 16 dự thảo quy định về trách nhiệm, hiệu lực thi hành của Thông tư.

Kèm theo dự thảo Thông tư là dự thảo các biểu mẫu bản điện tử giấy tờ hộ tịch, biểu mẫu điện tử tương tác để thiết lập trên phần mềm đăng ký hộ tịch và cổng dịch vụ công quốc gia; giá trị của bản điện tử giấy tờ hộ tịch.

Việc xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

Các đơn vị được lấy ý kiến đã tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến vào Dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc kết nối, chia sẻ thông tin đăng ký khai tử từ CSDL hộ tịch điện tử với CSDL ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết yêu cầu hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; việc cập nhật, điều chỉnh thông tin, hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đơn vị, Sở Tư pháp dự thảo văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

Tài liệu đính kèm:

- Dự thảo Thông tư;

- Phụ lục I; Phụ lục I.rar;

- Phụ lục II; Phụ lục II.rar./.

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0