Xử phạt vi phạm hành chính về Trồng
trọt
Vừa qua, Chính phủ
ban hành Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 09/6/2023 quy định xử phạt vi phạm
hành chính về Trồng trọt. Theo đó, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm
hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập
biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng
hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt. Các hành vi vi phạm hành chính về Trồng
trọt không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi
phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.
Theo Nghị định này
thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt là 01 năm. Thời hiệu xử
phạt vi phạm hành chính là 02 năm trong các trường hợp vi phạm hành chính về:
(1) Bảo hộ quyền đối với giống cây trồng; (2) Sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập
khẩu giống cây trồng; (3) Sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.
Đối với trường hợp
vi phạm nhiều lần, Nghị định số 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành
chính như sau:
(i) Cá nhân, tổ chức
vi phạm hành chính nhiều lần đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy
định tại Mục (ii) thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm hành chính và không áp
dụng tình tiết tăng nặng do vi phạm nhiều lần khi ra quyết định xử phạt vi phạm
hành chính.
(ii) Cá nhân, tổ
chức vi phạm hành chính nhiều lần đối với hành vi vi phạm tại điểm c, d khoản
3, điểm a khoản 4 Điều 21 của Nghị định số 31/2023/NĐ-CP thì không xử phạt về từng
hành vi vi phạm hành chính mà áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần khi
ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định số
31/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2023; thay thế các quy định
tại các văn bản sau đây:
- Các nội dung của
Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định
về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, hành vi vi phạm,
hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giống
cây trồng quy định từ Điều 1 đến Điều 18; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập
biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại các Điều 32, 39
và 40.
- Nghị định số
55/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực phân bón.
- Các nội dung quy
định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại
khoản 7 Điều 1 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP
ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
thú y.
Bên cạnh đó, Nghị
định số 31/2023/NĐ-CP quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:
- Đối với các hành
vi vi phạm hành chính về Trồng trọt xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực
thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng
Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm
thực hiện hành vi vi phạm để xử lý. Trường hợp Nghị định này không quy định
trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi
đã xảy ra thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý.
- Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính
đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà tổ chức, cá
nhân bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật
Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 31/2016/NĐ-CP; Nghị định số 55/2018/NĐ-CP;
Nghị định số 04/2020/NĐ-CP để xem xét, giải quyết.