Người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân - nhịp cầu đưa người dân nhanh chóng tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý
Người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại
Tòa án nhân dân - nhịp cầu đưa người dân nhanh
chóng tiếp cận với hoạt động trợ giúp
pháp lý
Thực hiện Chương trình phối hợp số
1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao
về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân, ngày 29/9/2022 tại Sở Tư pháp
thành phố Hải Phòng, Ban Nội chính Thành ủy, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân
thành phố đồng chủ trì tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch liên ngành về người thực hiện
trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân ở Hải Phòng. Tham dự buổi Lễ có sự chứng
kiến của các đồng chí đại diện Công an thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành
phố, Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và các đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai
mạc tại buổi Lễ ký kết, đồng chí Đỗ Đại Dương - Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch
Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã
nhấn mạnh trong những năm qua
công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn
thành phố đạt nhiều kết quả thiết thực, đặc biệt mối quan hệ phối hợp giữa Sở
Tư pháp và Tòa án nhân dân thành phố có nhiều gắn bó, hiệu quả rõ rệt, thể hiện
nhiều người được trợ giúp pháp lý được bào chữa/bảo vệ
trước Tòa án, hạn chế việc bỏ sót người bị buộc tội, đương sự trong các vụ án
thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, công tác thông tin, thông báo về
đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý chưa kịp thời; việc giới thiệu đối tượng
trợ giúp pháp lý phần lớn chỉ tập trung vào các vụ án hình sự, số lượng vụ việc
dân sự, lao động, hành chính còn ít; công tác truyền thông trợ giúp pháp
lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn... Vì thế,
Kế hoạch liên ngành về người thực hiện trợ
giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân ở Hải Phòng được ký kết nhằm mục đích bảo đảm tiếp cận trợ giúp pháp lý kịp thời trong
tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp
lý, bảo đảm đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc mà Tòa án
nhân dân thụ lý được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch
vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, hạn chế việc người dân thuộc diện được trợ giúp
pháp lý bỏ lỡ cơ hội được nhận dịch vụ pháp lý miễn phí.
Triển khai nội dung của Kế hoạch
liên ngành về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân ở Hải
Phòng, đồng chí Phạm Đức Tuyên - Thành ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân thành
phố đã khẳng định: Sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý và
Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá
trình tố tụng đã dần khẳng định vai trò của mình, người tiến hành tố tụng đã
ghi nhận hiệu quả của hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý. Vì thế, ngay
khi Kế hoạch liên ngành được ký kết, Tòa án nhân dân thành phố sẽ tổ chức quán
triệt nội dung của kế hoạch đến tất cả các Thẩm phán, Thư ký, công chức, cán bộ
Tòa án hai cấp của thành phố; phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước
thuộc Sở Tư pháp trong việc niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực
tại Tòa án nhân dân và giới thiệu và cung cấp thông tin về người được trợ giúp
pháp lý cho Trung tâm ngay khi họ đến làm việc tại Tòa án.
Tham dự Lễ ký
kết, đồng chí Đặng Bá Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành
ủy đánh giá cao sự phối hợp
chặt chẽ, hiệu quả của Sở Tư pháp và Tòa án
nhân dân thành phố về công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Đặc
biệt trong việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp về người thực hiện
trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao, Sở
Tư pháp và Tòa án nhân dân thành phố đã có sự chủ
động, linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức là “Trực qua điện thoại” được thể hiện trong Kế hoạch liên ngành
mà hai ngành đã ký kết. Để Kế hoạch phối hợp này phát huy được hiệu quả thì việc hướng dẫn, cung cấp thông tin là rất
quan trọng, đặc biệt là từ phía cơ quan Tòa án, không nên có bất kỳ sự tác động
nào đến người được trợ giúp pháp lý để họ từ chối hoặc không được tiếp nhận
dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí. Đồng thời, Sở Tư pháp thành phố cũng cần có
kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý để nâng
cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm đem lại sự hài
lòng và luôn là địa chỉ tin cậy của người dân
thành phố khi có vướng mắc về pháp luật./.