image banner
Thực tiễn triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hải Phòng; một số đề xuất, kiến nghị

Thực tiễn triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hải Phòng; một số đề xuất, kiến nghị

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, thành phố Hải Phòng nói riêng; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố; thực hiện chủ đề năm 2022 của thành phố Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong chính sách tổng thể về cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính công và hiện đại hóa nền hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp Hải Phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 18/3/2022 về triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đồng thời, ban hành các văn bản về: nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và theo dõi thi hành pháp luật; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số cải thiện các quy định của pháp luật; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, pháp luật, để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; giới thiệu Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển; tăng cường hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Một số kết quả trong năm 2022 và đề xuất giải pháp, kiến nghị như sau:

1. Về xây dựng, hoàn thiện thể chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Sở Tư pháp Hải Phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, đánh giá toàn bộ quy định về phí, lệ phí và các quy định liên quan có nội dung cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Sở Tư pháp thực hiện thẩm định đối với 05 đề nghị xây dựng Nghị quyết, 24 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, 61 dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố (Trong năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 66 Quyết định phê duyệt đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đề xuất của các sở, ban, ngành thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 73 văn bản quy phạm pháp luật). Thực hiện tự kiểm tra, gửi danh mục 145 văn bản quy phạm pháp luật; tham gia ý kiến vào 589 dự thảo văn bản; đồng thời, đẩy mạnh công tác tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết trên 400 vụ việc khó khăn, vướng mắc liên quan đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm hành chính,... đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, tự do và thu hút đầu tư trên địa bàn
thành phố. Các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố Hải Phòng đều được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân tiếp cận công khai, nhanh chóng, kịp thời.

2. Triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp:

* Về xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp:

Chuyên mục Hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của thành phố thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật do trung ương, thành phố ban hành, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền thành phố và các tin bài liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Hàng năm, chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, lập Hệ dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực, các chính sách mới của Trung ương và thành phố liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp trang mạng xã hội, phần mềm điện tử hoặc lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn, bằng nhiều hình thức phù hợp.

*Về xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật:

Thành phố Hải Phòng thường xuyên duy trì và nâng cao chất lượng chuyên mục “Phổ biến giáo dục pháp luật”; nâng cao hiệu quả chuyên mục “Dân hỏi - Giám đốc Sở trả lời” phát sóng hàng tuần trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng; tổ chức các cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử thành phố giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành với tổ chức doanh nghiệp và người dân.

Trong kỳ báo cáo, Sở Tư pháp xây dựng nội dung 50 số Phụ trương pháp luật phát hành cùng Báo Hải Phòng vào thứ 5 hàng tuần; xây dựng các tin, bài đăng trên Trang Phổ biến giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử thành phố. Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đã tổ chức 528 Hội nghị cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố; phát hành 88.500 tờ gấp; treo 1.000 băng rôn, khẩu hiệu; in 400 cuốn cẩm nang liên quan đến nhiều lĩnh vực... lồng ghép việc hướng dẫn, phổ biến các Luật: Lao động, Bảo hiểm xã hội, An toàn vệ sinh thực phẩm cho doanh nghiệp, người dân trong các cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành; hướng dẫn các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid - 19 đến các doanh nghiệp; tiếp nhận, tiếp xúc, tư vấn và giải quyết thủ tục thuế cho các doanh nghiệp (về tờ khai đăng ký thuế, hồ sơ về hóa đơn, hồ sơ quyết toán…) gặp vướng mắc về nộp thuế và lập sơ kê khai thuế khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Bộ luật Lao động năm 2019 cho đoàn viên công đoàn, cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

*Về bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp:

Trong năm 2022, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã tổ chức 12 Hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về các lĩnh vực ngoại vụ, công thương, vận tải, du lịch... cho các cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn thành phố; thực hiện điều tra, khảo sát 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên địa bàn thành phố về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, môi trường số, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử...

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đến cán bộ, công chức tại đơn vị mình.

*Về giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp:

Trong năm 2022, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tiếp nhận và giải đáp kịp thời các yêu cầu, kiến nghị về pháp luật và các chính sách có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các hình thức, như: điện thoại, thư điện tử, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, tiếp nhận và giải đáp trực tiếp tại trụ sở làm việc hoặc bằng văn bản, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn thành phố xây dựng các chuyên mục giải đáp pháp luật trên Cổng thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương, xây dựng chuyên mục hỏi đáp về các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp
tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động trong các lĩnh vực: Luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại, đăng ký giao dịch bảo đảm, quản tài viên... để đảm bảo chất lượng “Dịch vụ hỗ trợ pháp lý” cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

*Về tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp:

Thông qua chuyên mục “Dân hỏi - Giám đốc Sở trả lời” và các cuộc đối thoại trực tuyến, định kỳ, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp, kịp thời giải thích, phân loại xử lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để đề ra các biện pháp khắc phục. Trong năm 2022, trên địa bàn thành phố Hải Phòng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiếp nhận, xử lý 780 đơn thư, phản ánh, kiến nghị, kiếu nại, tố cáo.

Thông qua hoạt động tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo và phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, cá nhân, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phân loại và xử lý đúng quy định, đúng thẩm quyền; qua đó, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng các quy định pháp luật, khẩn trương chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế phát sinh, phát hiện những bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành; từ đó, tổ chức rà soát, khiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều quy định liên quan đến cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, cá nhân.

3. Một số đề xuất, kiến nghị để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2023 được triển khai đồng bộ, chất lượng và hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi; xây dựng và ban hành các quy trình, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo sự thống nhất, kịp thời, đồng bộ, phù hợp với thực tế.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn nữa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo lĩnh vực quản lý; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.

Thứ ba: Cần nâng cao hơn nữa vai trò công tác theo dõi thi hành pháp luật, từ đó có những kiến nghị, đề xuất đúng, trúng trong việc hoàn thiện pháp luật; tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định pháp luật không cần thiết, còn hạn chế, gây vướng mắc, rào cản cho sự phát triển chung của doanh nghiệp

Thứ tư: Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; xem xét tổ chức điểm các sự kiện, hoạt động truyền thông liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương ở một số tỉnh, thành phố./.

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0