Một số kết quả thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 trên địa bàn thành phố Hải Phòng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022
Một số kết quả thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 trên
địa bàn thành phố Hải Phòng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp
lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022
Trong thời gian qua, được
sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, cùng với sự nỗ lực của cả hệ
thống chính trị và Nhân dân thành phố Hải Phòng; bên cạnh các nhiệm vụ vừa tiếp
tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch Covid-19,
vừa đảm bảo yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng... trong
trạng thái “bình thường mới”, thành
phố Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả đột phá trong công
cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; như: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 11 tháng năm 2021 đạt
81.497 tỷ đồng, bằng 116,5% so với cùng kỳ; CPI thành phố Hải Phòng tính chung 11
tháng 2021 bình quân tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước; Trong năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới của
thành phố Hải Phòng là 3.105 doanh nghiệp, số doanh nghiệp tạm ngừng là 1.983,
số doanh nghiệp giải thể là 277;... Trong đó, việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ
doanh nghiệp phát triển nói chung, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
nói riêng luôn được ưu tiên và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thực tế cho thấy rằng, nhu cầu
được tư vấn, hướng dẫn về các quy định pháp luật của doanh nghiệp là rất lớn,
nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp” thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Việc hỗ
trợ pháp lý của Nhà nước là một trong các kênh quan trọng để hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, một trong những giải
pháp mà thành phố Hải Phòng tập trung thực hiện hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa
phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh được thể hiện ở việc lãnh đạo, chỉ đạo;
xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức thi hành pháp luật (tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho
cán bộ, công chức, doanh nghiệp; tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của
doanh nghiệp; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử
lý kỷ luật và khen thưởng trong tổ chức thực thi và tuân thủ pháp luật); đẩy
mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước;
xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách
tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính...
Tiếp tục
triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số
55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
nhỏ và vừa, Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai
đoạn 2021 - 2025 cùng với Chủ đề năm 2021 của thành phố về: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị -
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã
ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành
phố giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1051/QĐ-UBND ngày
08/4/2021, theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đề
xuất các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai các nội
dung của Chương trình về xây dựng kế hoạch hàng năm, xây dựng, quản lý, cập
nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu liên quan đến các văn bản pháp luật
của Trung ương và thành phố, nâng cấp hoàn thiện Trang thông tin điện tử, tiếp
nhận yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành để triển khai thực
hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: Kế hoạch số
20/KH-UBND ngày 29/01/2021 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Quyết định
số 25/2021/QĐ-UBND ngày 10/9/2021 ban hành quy định việc xây dựng và tổ chức
thực hiện kế hoạch đề án khuyến công thành phố Hải Phòng; văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp góp phần nâng xếp hạng chỉ số B1 về chi phí tuân
thủ pháp luật…
Thường xuyên chỉ
đạo các sở, ban, ngành thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục
xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính phù hợp, thống
nhất, hiệu quả trong triển khai thực hiện; trong năm 2021, đã chỉ đạo các sở,
ban, ngành liên quan xây dựng Nghị quyết quy định
một số chính sách đặc thù trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hải
Phòng; dự thảo Quyết định quy định
giảm giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hải Phòng do ảnh hưởng của
dịch bệnh Covid-19.
Một số kết quả nổi bật trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
* Về xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt
động của doanh nghiệp:
- Chuyên mục
“Hỗ trợ doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử của thành phố thường xuyên cập
nhật các văn bản quy phạm pháp luật do trung ương, thành phố ban hành, thủ tục
hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền thành phố và các
tin bài liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Qua đó, các
doanh nghiệp có thể tự khai thác, sử dụng miễn phí các văn bản quy phạm pháp luật,
dễ dàng cập nhật, chủ động nắm bắt những quy định, chính sách có liên quan đến
hoạt động kinh doanh
của mình.
- Hàng năm, chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan
rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do thành phố ban hành, lập Hệ dữ liệu
văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp,
đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố; Báo Hải Phòng; Chuyên
đề An ninh Hải Phòng và Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
* Về xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật:
Các cơ quan, đơn vị trên địa
bàn thành phố đã tổ chức biên soạn, phát hành nhiều loại tài liệu tuyên truyền,
phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp; thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền
thông, báo chí trên địa bàn thành phố xây dựng và phát sóng các chuyên mục
tuyên truyền, đăng tải, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động
của doanh nghiệp. Cụ thể:
- Sở Tư pháp đã
phối hợp với: Báo Hải Phòng phát hành Phụ trương “Pháp luật thành phố Hải Phòng” vào thứ Năm hằng tuần, trong đó
đăng các tin, bài, văn bản liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp; phối hợp với Đài
Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng xây dựng nội dung và phối hợp thực hiện
phát sóng nhiều chương trình tuyên truyền pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp
như: Chuyên mục “Tiêu điểm chính sách -
pháp luật”, “Bàn tròn pháp luật”, “Pháp luật và cuộc sống”, Chương trình phát
thanh trực tiếp “Nhịp cầu pháp luật”
trên tần số 93,7 Mhz.
Trang thông tin
Phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố đã chính thức đi vào hoạt động với
hơn 750 tin, bài, ảnh. Các thông tin về pháp luật thương mại, đầu tư nước
ngoài, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế… được cập nhật thường
xuyên, hiệu quả, kịp thời.
- Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã
phát hành 1.500 cuốn sách, 200 bộ đề cương,
250 bộ tài liệu, 87.500 tờ gấp pháp luật
liên quan về đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức gần 20 hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền về các
quy định, chính sách pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động tại các
doanh nghiệp, thu hút hàng nghìn lượt người tham dự.
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương hướng dẫn các chính sách hỗ trợ người lao
động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid - 19 đến các doanh
nghiệp; tiếp nhận, tiếp xúc, tư vấn và giải quyết thủ tục thuế cho các doanh
nghiệp (về tờ khai đăng ký thuế, hồ sơ về
hóa đơn, hồ sơ quyết toán…) gặp vướng mắc về nộp thuế và kê khai thuế khi
thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu
Bộ luật Lao động năm 2019 cho đoàn viên công đoàn, cho các doanh nghiệp trên địa
bàn thành phố.
* Về bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp:
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường;
nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy,
mặt khác, vẫn duy trì đảm bảo trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật phục vụ hoạt
động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập
huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật với nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả,
trong đó áp dụng hình thức tổ chức trực tuyến là chủ yếu. Năm 2021, thành phố đã xây dựng 31 khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
lồng ghép vào các khóa đào tạo về bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật
cho doanh nghiệp; 01 Hội thảo, 03 Hội nghị tập huấn, 05 lớp tuyên truyền hướng
dẫn các quy định, chính sách pháp luật cho người lao động tại các doanh nghiệp.
* Về giải đáp pháp luật
cho doanh nghiệp:
- Ủy ban nhân dân
thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn được giao tiếp nhận và giải đáp kịp thời các yêu cầu, kiến nghị về
pháp luật và các chính sách có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của
doanh nghiệp thông qua các hình thức, như: điện thoại, thư điện tử, tọa đàm, hội
nghị, hội thảo, tiếp nhận và giải đáp trực tiếp tại trụ sở làm việc hoặc bằng
văn bản, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
của doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn
thành phố xây dựng các chuyên mục giải đáp pháp luật trên Cổng thông tin điện tử
của các cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng chuyên mục hỏi đáp về các quy định
pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý,
trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
- Ngoài ra, Uỷ ban
nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp
tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động trong các
lĩnh vực: Luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại,
đăng ký giao dịch bảo đảm, quản tài viên... để đảm bảo chất lượng “Dịch vụ hỗ trợ pháp lý” cho người dân
và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
* Về tiếp
nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật:
Tiếp tục duy trì và
nâng cao hiệu quả chuyên mục “Dân hỏi -
Giám đốc Sở trả lời” phát sóng hàng tuần trên Đài Phát thanh và Truyền hình
Hải Phòng; tổ chức các cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử
thành phố giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, lãnh đạo các sở, ngành với tổ
chức, doanh nghiệp và người dân; chủ động tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp, kịp
thời giải thích, phân loại xử lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời, tổng
hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để đề ra các biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, để hạn chế tối đa
tình trạng khiếu nại, khởi kiện, tố cáo; tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư
phát triển kinh tế, giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội, Ủy ban nhân
dân thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao
tăng cường công tác tham mưu, tư vấn hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với các vụ
việc khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại,
khởi kiện, xử lý vi phạm hành chính... Trong năm 2021, Sở Tư pháp đã thực hiện
khoảng gần 200 vụ việc tham mưu, tư vấn trong các lĩnh vực; việc tham mưu, tư vấn
luôn đảm bảo kịp thời, hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật.
Nhìn chung, công tác hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã được chỉ
đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả và thống nhất với các chủ trương,
chính sách pháp luật của Trung ương, của thành phố và toàn diện trên tất cả các
lĩnh vực. Nhờ đó, môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố được cải thiện,
thu hút được sự quan tâm, đầu tư của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát
triển bền vững, hoàn thành các mục tiêu về chính trị, kinh tế - xã hội của
thành phố.
Một số kiến nghị, đề xuất để công tác hỗ trợ pháp lý cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2022 được triển khai đồng bộ, chất lượng và
hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững như sau:
Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành các chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là trong tình hình vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa hoạt động sản suất,
kinh doanh như hiện nay; xây dựng bộ máy quản
lý nhà nước trong sạch; nâng cao trình độ của đội ngũ công chức quản lý nhà nước có liên quan trực
tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; duy trì môi trường kinh doanh thông
thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ hai: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản,
minh bạch và hiệu quả; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng
cơ hội sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp.
Thứ ba: Nâng cao vai trò đầu mối của cơ quan tư pháp trong việc
tham mưu, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; chủ động tăng
cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác trong việc thực hiện hỗ trợ
pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, quán triệt trách nhiệm của
các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ
và vừa theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
Thứ tư: Đề nghị các Bộ, ngành có chính sách hỗ trợ các doanh
nghiệp trong việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động sản
xuất,
kinh doanh và kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp ở trong
và ngoài nước.
Thứ năm: Cần nâng cao hơn nữa vai trò công tác theo dõi thi hành
pháp luật, từ đó có những kiến nghị, đề xuất đúng, trúng trong việc hoàn thiện
pháp luật; tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định pháp luật
không cần thiết, còn hạn chế, gây vướng mắc, rào cản cho sự phát triển chung của
doanh nghiệp./.