image banner
Một số điểm mới của Nghị định số 07/2025/NĐ-CP trong lĩnh vực quốc tịch

Ngày 09/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 09/01/2025. 

Điều 4 Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. Cụ thể:

1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 10

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1: Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia. 

Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai, bổ sung điểm e khoản 1: Sở Tư pháp chủ động yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu xin nhập quốc tịch Việt Nam trong thời gian cư trú tại Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đã có Phiếu lý lịch tư pháp tại thời điểm nộp hồ sơ. Quy định này cũng được áp dụng đối với hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam, hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam được nộp tại Sở Tư pháp.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2: Trường hợp có vợ, chồng là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; nếu có cha, mẹ, con là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ hôn nhân, quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 15

Thứ nhất, tại khoản 1: Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau: 

- Giấy tờ chứng minh đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam; 

- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp, xác nhận, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó. 

Trường hợp thông tin về tình trạng quốc tịch Việt Nam trước đây của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có thể khai thác được tại Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan tiếp nhận không yêu cầu người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nộp các giấy tờ nêu trên.

Thứ hai, tại khoản 4: Con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sống cùng người đó trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận phải có đầy đủ chữ ký của cha và mẹ, chữ ký không phải chứng thực nhưng người đứng đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia. 

Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

3. Sửa đổi khoản 1 Điều 16

Trường hợp cần thiết phải xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Quốc tịch Việt Nam thì Bộ Tư pháp có văn bản nêu rõ những nội dung đề nghị Bộ Công an xác minh.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 18

Thứ nhất, bổ sung khoản 1a sau khoản 1 với nội dung: Giấy tờ chứng minh người xin thôi quốc tịch Việt Nam có quốc tịch Việt Nam là bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quốc tịch Việt Nam của người xin thôi quốc tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 3: Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng thôi quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ thôi quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó thôi quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia. 

Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

5. Sửa đổi Điều 30 

Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam: Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ.

6. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 31 

Giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả Giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

7. Sửa đổi Điều 32 

Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam: Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ.

8. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 33 

Giấy tờ được cấp trước đây để chứng minh người đó đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc giấy tờ để chứng minh người đó khi sinh ra có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào nêu trên thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể nộp bản sao giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975; giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956; giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.

9. Bổ sung cụm từ “Thẻ căn cước, Căn cước điện tử” sau cụm từ “Căn cước công dân” tại khoản 2 Điều 4, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 24, khoản 1 và khoản 2 Điều 26điểm a khoản 1 Điều 29, điểm a khoản 1 Điều 31, điểm a khoản 1 Điều 33điểm e khoản 1 Điều 35 và khoản 3 Điều 36./.

Admin
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0